TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

11

Kỳ III: Điểm sáng cần nhân rộng

Với gần 1 thập kỷ bám rễ trong lòng các cộng đồng dân cư và là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới, mô hình Ngôi nhà Trí tuệ và Tủ sách Nhân ái đã chứng minh là những mô hình hội tụ những yếu tố góp phần xây dựng một thành phố học tập toàn cầu đích thực, phù hợp với các ưu tiên của UNESCO.

Góp phần khẳng định vị thế thành phố học tập toàn cầu của Việt Nam

Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo thành phố học tập toàn cầu Sơn La, chỉ sau 10 tháng chính thức gia nhập mạng lưới, thành phố đã xây dựng được gần 130 Ngôi nhà Trí tuệ (NNTT) và Tủ sách Nhân ái (TSNA) với gần 2 triệu cuốn sách hay, phủ kín các thôn, bản, mang đến không gian sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, đọc sách, học tập… sôi nổi cho người dân. Các NNTT mở cửa từ 8h sáng đến 8 giờ tối mỗi ngày, thu hút từ các cháu mầm non đến các cụ già 60-70 tuổi tham gia sinh hoạt, góp phần nâng cao dân trí, gắn kết nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn thành phố, lưu giữ các giá trị truyền thống và làm giàu có thêm đời sống tinh thần của bà con.

Lớp học tiếng Thái tại một NNTT trên địa bàn TP Sơn La

Bà Tòng Thị Hỏa, một trong số gần 30 học viên của lớp học tiếng Thái được tổ chức tại một NNTT phường Chiềng Cơi, TP Sơn La chia sẻ: Năm nay tôi 65 tuổi rồi, tuổi cao nhất lớp, trước đó chưa được học chữ Thái bao giờ. Nay nhà nước quan tâm, thành phố quan tâm, những người yêu văn hóa Thái tổ chức lớp học này, tôi phải cố gắng đi học để biết chữ Thái, học các bài hát, rồi kể chuyện… để sau còn truyền lại cho các con, các cháu của mình.

Tốc độ phát triển thần kỳ và các hoạt động đa dạng, thực chất của các NNTT và TSNA đã trở thành những mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh của thành phố Sơn La sau chưa đầy 1 năm gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Với những dấu ấn đậm nét ấy, Sơn La đã đại diện cho các thành phố học tập toàn cầu của Việt Nam tham dự những sự kiện quan trọng nhất của mạng lưới. Tháng 10/2024, Bí thư Thành ủy thành phố Sơn La đã chia sẻ về mô hình TSNA, NNTT trong bài trình bày của mình tại Hội nghị thành phố học tập khu vực ASEAN +3 tại Bangkok, Thái Lan. Tháng 12/2024, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sơn La đã trình bày về kinh nghiệm thúc đẩy giáo dục cộng đồng thông qua hai mô hình này tại Hội nghị thành phố học tập toàn cầu lần thứ 6 tại Jubail, Saudi Arabia. Đây được xem là sự kiện lớn nhất của mạng lưới, quy tụ 1.200 đại biểu từ năm châu lục và được livestream đến công chúng toàn cầu.

Đại diện thành phố Sơn La chia sẻ về mô hình NNTT- TSNA tại Hội nghị quốc tế về thành phố học tập suốt đời lần thứ 6 của UNESCO

Phát biểu mở màn cho Phiên thảo luận song song tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sơn La nhấn mạnh: Là một thành phố miền núi với nguồn lực kinh tế, tài chính còn tương đối hạn chế so với nhiều tỉnh, thành phát triển khác, thành phố Sơn La đã huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực để có thể thực hiện các cam kết với UNESCO. Mô hình NNTT và TSNA phát triển mạnh mẽ là một minh chứng nổi bật cho chủ trương, nỗ lực và sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc thúc đây học tập suốt đời cho mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thúc đẩy học tập suốt đời trong cộng đồng và tăng cường gắn kết xã hội, phù hợp với những ưu tiên của UNESCO

Một trong những đặc trưng quan trọng nhất được đưa ra trong định nghĩa về thành phố học tập toàn cầu của UNESCO chính là thúc đẩy việc học tập suốt đời cho tất cả mọi người và tăng cường gắn kết xã hội thông qua các cộng đồng.

Với gần 1 thập kỷ bám rễ trong lòng các cộng đồng dân cư, NNTT và TSNA là những mô hình hội tụ yếu tố cốt lõi mà UNESCO nhấn mạnh. Việc thành phố Sơn La bước đầu áp dụng thành công mô hình NNTT và TSNA trong xây dựng thành phố học tập là một minh chứng cho sức mạnh và tính hiệu quả của hai mô hình này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập NNTT và đồng sáng lập TSNA chia sẻ: “TSNA tập trung vào việc xây dựng chuỗi mô hình tủ sách và thư viện, kiến tạo hệ sinh thái đọc sách dành cho các trường học và cộng đồng dân cư, qua đó góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, bồi đắp trí tuệ và nuôi dưỡng lòng nhân ái cho mọi người. Trong khi đó, NNTT hướng đến việc hình thành và phát triển các cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí, nơi mỗi người vừa là thầy vừa là trò, học tập dựa trên mong muốn ứng dụng tri thức vào thực tiễn và học vì tình yêu, lòng say mê với vẻ đẹp của tri thức. Đây cũng là định hướng phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững về giáo dục chất lượng (SDG 4) của Liên hợp quốc và tinh thần học tập suốt đời mà UNESCO đang khuyến khích trên phạm vi toàn cầu”.

TSNA đã tổ chức hàng trăm buổi trò chuyện, giới thiệu sách, kể chuyện từ sách, các cuộc thi tìm hiểu sách… nhằm khơi dậy trí tưởng tượng và khuyến khích các em khám phá thế giới qua những góc nhìn đa chiều. Hàng triệu cuốn sách được trao tặng đã giúp TSNA lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về giá trị của sách và văn hóa đọc, đồng thời trang bị cho người đọc kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng và phát triển trong một thế giới không ngừng đổi thay. Bằng những nỗ lực đó, TSNA hướng đến việc xây dựng một cộng đồng trách nhiệm, tự tin, giàu trí tuệ và năng lực, sẵn sàng hợp tác và kết nối với bạn bè quốc tế để cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình và bền vững.

TSNA trao tặng 120 tủ sách cho 12 trường học huyện Krông Nô – tỉnh Đăk Nông ngày 02/10/2020
NNTT Thanh Tiên giao lưu cùng Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ ngày 16/12/2018
Khu trưng bày nông cụ, kỷ vật chiến tranh trong Bảo tàng mini tại NNTT xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Ban điều hành NNTT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức chung kết Hội thi “Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ngày 25/10/2024.

Song song với đó, NNTT đã mở hàng ngàn lớp học trực tiếp và trực tuyến miễn phí tại các nhà văn hóa thôn xóm, bản làng, giáo xứ, trường học và nhiều cộng đồng dân cư khác. Các lớp học này đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, từ các kỹ năng sống như trồng trọt, chăn nuôi, may vá, nấu ăn, bơi lội, võ thuật, sử dụng điện an toàn, phương pháp học tập hiệu quả, thiết lập mục tiêu, bảo vệ sức khỏe, đến các môn khoa học xã hội và tự nhiên như tiếng Anh, Toán học. Thậm chí, có cả những lớp học về kinh tế vĩ mô, hướng dẫn đầu tư chứng khoán và trở thành công dân toàn cầu.

Ngoài ra, thế hệ trẻ và du khách quốc tế còn được khám phá các bảo tàng mini trong NNTT, nơi lưu giữ nhiều cổ vật và công cụ sản xuất của cha ông, góp phần truyền tải những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.

Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh đánh giá mô hình này là cánh tay nối dài của hệ thống giáo dục chính quy, bổ sung cho người học những kiến thức và kỹ năng mà giáo dục truyền thống chưa đáp ứng được. Tại đây, không có kiểm tra, đánh giá, học bạ, điểm số, thi cử hay xếp loại. Mọi áp lực đều được xóa bỏ, để mỗi người tự do lĩnh hội tri thức theo cách riêng của mình.

Điểm khác biệt của mô hình này là tính linh hoạt, luôn dựa trên nhu cầu cụ thể của từng địa phương, đồng thời trao quyền cho người dân tham gia thiết kế, sáng tạo và thực hiện. Các chương trình không chỉ xuất phát từ cộng đồng mà còn được sự đồng hành và ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương, lãnh đạo và giáo viên các trường học, cùng các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Chính quyền và người dân vừa hỗ trợ cơ sở vật chất sẵn có từ các nhà văn hóa cộng đồng, nhà tránh trú bão lũ, thư viện trường học, vừa chủ động kêu gọi và huy động tài chính, nhân lực để vận hành hiệu quả các NNTT tại địa phương.

Kiến tạo một môi trường trải nghiệm văn hóa – giáo dục đặc sắc

Một trong những lợi ích to lớn nhất được UNESCO nhấn mạnh khi các thành phố gia nhập vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu là việc tiếp cận với các nguồn lực chuyên gia quốc tế có chất lượng để hỗ trợ sự phát triển của địa phương. Đây cũng chính là thế mạnh và hoạt động mang tính chiến lược mà các NNTT đã bền bỉ thực hiện trong gần 1 thập kỷ qua. Mô hình này xây dựng một nhịp cầu nối liền những ranh giới quốc gia, để mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể góp sức cho sự phát triển của Việt Nam.

Giáo sư Shanon Gramse, Chủ tịch sáng lập Khoa Viết văn và cũng là Giáo sư bộ môn Viết văn tại Đại học Alaska Anchorage (UAA) – một trường đại học công lập ở bang Alaska (Hoa Kỳ) – từng nhiều lần chia sẻ: “Hàng ngàn cuốn sách và bài báo về Việt Nam mà tôi đã đọc trong mấy chục năm qua không thể giúp tôi hiểu Việt Nam bằng vài tuần sống và làm việc tại các Ngôi nhà Trí tuệ ở Nghệ An, Hà Tĩnh”. Ông thú nhận: “Trong cuộc đời tôi, từ khi sinh ra, có hai thời điểm khiến tôi hạnh phúc và nhớ mãi: lúc sinh con gái Scout và thời gian sống tại Ngôi nhà Trí tuệ”. Ngoài ra, ông đã tự đặt câu hỏi cho bản thân cũng như các nhà lãnh đạo quê hương mình: “Tại sao chúng ta không làm điều gì đó tương tự ở Alaska?” trong một bài báo được đăng trên Tạp chí Kinh doanh Alaska.

Các em học sinh xin chữ ký Giáo sư Shannon Gramsee sau chương trình giao lưu văn hóa và giáo dục tại Nghệ An tháng 12/2022
NNTT thôn Đông Biên-Xã Xuân Hải-Huyện Nghi Xuân-Hà Tĩnh giao lưu văn hóa giáo dục cùng gia đình giáo sư Shannon Gramse - Sarah Kirk từ Đại học Alaska  Anchorage ngày 01/01/2023.
NNTT thôn Đông Biên (xã Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) giao lưu văn hóa giáo dục cùng gia đình Giáo sư Shannon Gramse -Sarah Kirk từ Đại học Alaska Anchorage ngày 01/01/2023

Hoạt động của mô hình giáo dục này được triển khai thông qua việc mời các học giả, giảng viên và chuyên gia tình nguyện nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại các NNTT được triển khai từ tháng 8/2019.

Nhóm giảng viên tình nguyện đầu tiên, gồm 6 nữ sinh viên đến từ Tây Ban Nha, đã sống, lao động, du lịch, dạy học và học tập trong suốt một tháng tại xóm 7, Cồn Tần, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ban ngày, các bạn dạy tiếng Anh và nhiều môn học khác cho học sinh trong xã cũng như các vùng lân cận, đồng thời tổ chức sinh hoạt hè, dã ngoại và tham gia một số công việc nhà nông. Buổi tối, cả thôn tập trung tại NNTT bên những ấm chè xanh. Bà con kể cho các bạn nghe về lịch sử và truyền thống địa phương, còn các bạn dạy bà con những điệu nhảy Tây Ban Nha sôi động.

Các nữ sinh viên tình nguyện Tây Ban Nha sống và dạy học tại các Ngôi nhà Trí tuệ tại Nghệ An và Hà Tĩnh trọn tháng 07/2019.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, cố vấn chương trình của NNTT Penang-Malaysia cho biết: “NNTT luôn bừng lên sức sống với những trò chơi, lời ca, môn học và các bữa cơm đậm đà hương vị quê nhà. Thông qua việc mời các vị khách quốc tế đến sinh sống và làm việc, mạng lưới đã tạo cơ hội để họ trải nghiệm và cảm nhận bản sắc văn hóa Việt Nam một cách đầy đủ và trọn vẹn. Qua những trải nghiệm đó, các tình nguyện viên nước ngoài không chỉ hiểu sâu sắc hơn về tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết bền chặt, và lòng mến khách của người Việt mà còn góp phần truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới”.

Nuôi dưỡng những đại sứ văn hóa – giáo dục toàn cầu

Chuyên gia Ian Gardiner sang Việt Nam mỗi dịp Tết Nguyên đán, không nghỉ tại khách sạn mà ở lại nhà dân để tìm hiểu phong tục Tết của người Việt. Ông yêu mến NNTT đến mức luôn đeo logo của chương trình trên ngực trái trong mỗi sự kiện quan trọng, in logo vào những cây bút viết làm quà tặng học viên và đặt logo của NNTT tại căn hộ của mình ở trung tâm New York. Suốt hơn 3 năm qua, ông chưa từng nghỉ một buổi dạy online nào, dù lớp học có hôm chỉ có 1-2 học viên do trùng vào các dịp nghỉ lễ đặc biệt.

NNTT Thanh Tiên giao lưu văn hóa và giáo dục cùng giảng viên tình nguyện Ian Gardiner đến từ New York-Mỹ ngày 20/02/2023.

Chuyên gia Ian Gardiner – Chủ nhiệm NNTT New York – Hoa Kỳ, giao lưu văn hóa giáo dục cùng NNTT Thúy Nga – Tân Kỳ - Nghệ An năm 2024

Giáo sư Shannon Gramse đều đặn trở lại Việt Nam mỗi dịp Hè hoặc Tết. Có những lần, ông ở lại đến tận 3 tháng, đi từ Bắc vào Nam để lắng nghe từng câu chuyện của mỗi người ông gặp. Ông rất kính trọng Bác Hồ và thường trích dẫn những lời về Bác trong các buổi giao lưu tại các trường đại học. Mỗi khi đến các nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, miếu mạo, chùa chiền, hay nhà thờ họ tộc, ông đều thắp nhang và quỳ lạy đầy kính ngưỡng.

Ông viết về NNTT trên Alaska Business Magazine, tờ báo lớn nơi ông sinh sống. Ông luôn tự hào kể về NNTT với lãnh đạo địa phương, người dân, đồng nghiệp và hàng ngàn sinh viên của trường đại học nơi ông giảng dạy. Ông dành hàng giờ đồng hồ say sưa chia sẻ về Việt Nam trên KRUA, kênh phát thanh uy tín với nhiều giải thưởng về giáo dục tại Alaska. Cái tên Việt Nam vang lên tại Alaska Anchorage, nơi cực Bắc xa xôi nhất của nước Mỹ, nhiều lần, theo nhiều cách khác nhau, từ một vị giáo sư đáng kính, người đã giúp xích lại gần hơn hai quốc gia ở hai nửa địa cầu.

Các thành viên Ban điều hành NNTT và Giáo sư Shannon Gramse giao lưu văn hóa – giáo dục với Trường đại học Sư phạm TPHCM 26/04/2024
Các thành viên Ban điều hành NNTT và Giáo sư Shannon Gramse giao lưu văn hóa giáo dục với trường Đại học sư phạm TP.HCM ngày 26/4/2024

Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài trong hàng ngàn câu chuyện diễn ra mỗi ngày tại các NNTT trên khắp dải đất hình chữ S. Sự tò mò hoặc một cơ duyên nào đó đã đưa những vị khách quốc tế đến với Việt Nam, nhưng chỉ có tình yêu sâu đậm mới giữ họ ở lại và cam kết đồng hành lâu dài.

NNTT đã tạo dựng nên hàng trăm đại sứ văn hóa – giáo dục cho Việt Nam, là những công dân ưu tú đến từ các quốc gia trên khắp các châu lục. Họ mang trí tuệ và trái tim đến để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam, mang sự hiểu biết cùng tình yêu Việt Nam đi để lan tỏa ra thế giới. Họ làm điều đó một cách tự nguyện, tự nhiên, và vì thế, cũng là cách lâu dài và bền chặt nhất. Đây chính là một thế mạnh nổi bật của NNTT khi hoạt động của mô hình này phản ánh đậm nét tính “toàn cầu” trong mô hình thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Đóng góp tri thức Việt cho thế giới

Cho tới nay, Việt Nam đã có 5 thành phố được chấp thuận gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Theo chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh, hành trình quốc tế hóa, hội nhập sâu rộng, bền vững là một quá trình hai chiều, trong đó Việt Nam cần đóng góp cho thế giới những giá trị đặc sắc của quốc gia mình. Vì vậy, các thành phố học tập của Việt Nam không chỉ tận dụng tối đa các quyền lợi khi tham gia mạng lưới này còn cần chủ động góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên bản đồ quốc tế. NNTT và TSNA hiện thực hóa tầm nhìn đó thông qua việc xây dựng những kênh dẫn truyền, chia sẻ tri thức và văn hóa từ Việt Nam ra thế giới; đồng thời nuôi dưỡng những thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu đích thực.

Đại diện NNTT và TSNA nhận giải thưởng Xóa mù chữ-lan tỏa tri thức do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trao tặng ngày 18-10-2023 tại thủ đô Washington D.C.
Đại diện NNTT-TSNA nhận giải thưởng Xóa mù chữ – Phổ biến tri thức do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trao tặng ngày 18/10/2023 tại Thủ đô Washington D.C

Đại diện NNTT và TSNA nhận giải thưởng Xóa mù chữ-lan tỏa tri thức do Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trao tặng ngày 18-10-2023 tại thủ đô Washington D.C.

Tháng 10/2023, khi NNTT và TSNA được xướng lên trong lễ vinh danh của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, giữa thủ đô Washington DC, gần 100 đại diện từ các tổ chức khuyến đọc uy tín nhất thế giới có mặt tại khán phòng, và hàng triệu người theo dõi sự kiện qua các phương tiện truyền thông đã nghe và nhớ về cái tên Việt Nam.

Thông qua giải thưởng uy tín này, Việt Nam đã giới thiệu và đóng góp cho thế giới một mô hình học tập suốt đời sáng tạo, hiệu quả, với chi phí 0 đồng nhưng tác động xã hội là khó có thể đo đếm hết được.

Tháng 10/2024 và tháng 12/2024, NNTT và TSNA xuất hiện tại các Hội nghị lớn nhất khu vực và toàn cầu về thành phố học tập của UNESCO, góp một phần kinh nghiệm thực tế quý báu của Việt Nam cho các thành phố trên toàn thế giới.

NNTT và TSNA đã và đang thực hiện chiến lược góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của Việt Nam thông qua mạng lưới hợp tác song phương và đa phương linh hoạt, mềm dẻo và sáng tạo. Bên cạnh việc trao tặng sách cho các trường học tại Lào, chương trình còn tổ chức những hoạt động ý nghĩa tại Hoa Kỳ. Đại diện NNTT và TSNA đã làm việc với một số trường đại học, cơ sở giáo dục và tổ chức cộng đồng, trong đó có các buổi gặp gỡ với ông Sean Parnell, Hiệu trưởng Đại học Alaska Anchorage (cựu thống đốc bang Alaska), và giao lưu với học sinh, sinh viên, người cao tuổi cũng như người dân nhập cư tại các lớp học cộng đồng.

Đây không chỉ là cơ hội quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam mà còn đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia. Sự hiện diện của NNTT và TSNA tại các sự kiện và hoạt động quốc tế đã giúp xây dựng một mối liên kết bền chặt giữa hai chương trình và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Hiếm có chương trình cộng đồng nào nhận được sự quan tâm sâu sắc như vậy, với hàng trăm bài báo bằng tiếng Anh và tiếng Việt xuất hiện trên các trang thông tin chính thống của các bộ, ngành. Bà Nguyễn Thúy Hồng, Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tích cực và chủ động kết nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa NNTT, TSNA và các tổ chức khuyến đọc tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần tăng cường giao lưu văn hóa – giáo dục và tình hữu nghị giữa hai nước mà còn đóng góp thiết thực vào mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”.

NNTT và TSNA trao tặng sách, mũ chống tia cực tím và học bổng cho học sinh và giáo viên tại Trường Tiểu học Chansavang, ngoại ô thủ đô Viên Chăn -Lào 21/11/2024
NNTT và TSNA trao tặng sách, mũ chống tia cực tím và học bổng cho học sinh và giáo viên tại Trường Tiểu học Chansavang, ngoại ô thủ đô Viên Chăn -Lào 21/11/2024
Ông Sean Parnell (cựu thống đốc bang Alaska) và hiện là Hiệu trưởng đương nhiệm Đại học Alaska Anchorage(UAA) cùng lãnh đạo trường tiếp đón và trò chuyện cùng đoàn công tác của NNTT, TSNA ngày 31/10/2023
Ông Sean Parnell (cựu thống đốc bang Alaska) và hiện là Hiệu trưởng đương nhiệm Đại học Alaska Anchorage(UAA) cùng lãnh đạo trường tiếp đón và trò chuyện cùng đoàn công tác của NNTT, TSNA ngày 31/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng sinh viên Trường Đại học Alaska Anchorage ngày 30/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng sinh viên Trường Đại học Alaska Anchorage ngày 30/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng sinh viên Trường Trung học Stellar – Thành phố Anchorage – Alaska(Hoa Kỳ) ngày 30/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng sinh viên Trường Trung học Stellar – Thành phố Anchorage – Alaska(Hoa Kỳ) ngày 30/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng giảng viên và học viên của Alaska Literacy Program và tặng quà cho chương trình thiện nguyện này  tại Thành phố Anchorage – Alaska(Hoa Kỳ) ngày 30/10/2023
Đại diện NNTT và TSNA giao lưu cùng giảng viên và học viên của Alaska Literacy Program và tặng quà cho chương trình thiện nguyện này tại Thành phố Anchorage – Alaska(Hoa Kỳ) ngày 30/10/2023

Phát triển những thế hệ công dân toàn cầu đích thực

Một thành phố học tập toàn cầu là thành phố nuôi dưỡng những thế hệ công dân toàn cầu giàu trí tuệ và lòng nhân ái, chuẩn bị cho họ những năng lực và tâm thế cần thiết để dẫn dắt sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng.

Mạng lưới NNTT đã tổ chức hàng trăm lớp học tiếng Anh miễn phí, bao gồm ngữ pháp, giao tiếp, Toán tiếng Anh và viết nhật ký, giúp các em học sinh từ vùng nông thôn xa xôi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Sơn La… được học cùng các chuyên gia và giảng viên người bản xứ, cải thiện đáng kể khả năng ngoại ngữ.

Bên cạnh ngoại ngữ, NNTT chú trọng trang bị kỹ năng mềm và phẩm chất cần thiết để học sinh tự tin giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Các NNTT tại mỗi quốc gia phát huy thế mạnh riêng biệt, phù hợp với nhu cầu của học sinh các NNTT từng địa phương: NNTT New Zealand dạy quản lý tài chính, NNTT Nhật Bản tổ chức hướng nghiệp, NNTT Florida hướng dẫn lập trình, NNTT Australia hỗ trợ tìm học bổng và NNTT Malaysia đa dạng hóa các chương trình từ giao lưu văn hóa đến hội thảo chuyên đề.

Trần Thị Tường Anh và Trần Việt Bách, đồng sáng lập và chủ nhiệm NNTT Malaysia đang hướng dẫn học sinh trường THCS Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An cách thành lập và tổ chức hoạt động cho Câu lạc bộ Tiếng Anh tại trường

Em Trần Thị Tường Anh và em Trần Việt Bách, Chủ nhiệm NNTT Malaysia chia sẻ: “ Thông qua các hoạt động đào tạo và hướng dẫn chuyên sâu, NNTT đã góp phần vun đắp một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, khát vọng, vừa say mê kết nối tri thức, vừa sẵn sàng phụng sự cộng đồng. Chúng em được chuẩn bị về ngoại ngữ, trang bị các kỹ năng cần thiết để hòa nhập và thích nghi với môi trường mới. Chúng em biết cân bằng giữa học tập và thể thao, nghệ thuật để phát triển toàn diện, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt từ những nền văn hóa khác. Chúng em nhận diện được những vấn đề toàn cầu đang đối mặt như đói nghèo và bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, chiến tranh và phân biệt chủng tộc… và sẵn sàng đóng góp sức mình để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Những bài học lớn lao đó, chúng em đều được học từ hàng trăm khóa học lớn nhỏ, ngắn và dài hạn tại hệ thống NNTT và TSNA với chi phí 0 đồng”.

Trần Việt Bách – Chủ nhiệm NNTT Penang -Malaysia chia sẻ về trải nghiệm quốc tế và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời tại thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc, Nghệ An

Điểm sáng cần được nhân rộng

Sau gần một thập kỷ hoạt động, NNTT và TSNA đã chứng minh là những mô hình hiệu quả, đáp ứng các ưu tiên mà UNESCO đề ra trong xây dựng thành phố học tập. Mô hình này góp phần hiện thực hoá hai từ khoá quan trọng nhất trong cụm từ Thành phố Học tập toàn cầu – đó chính “học tập” và “toàn cầu”. Với khả năng mang ăn sâu bám rễ, thúc đẩy việc học tập trong lòng các cộng đồng dân cư đồng thời lan toả và kết nối mạnh mẽ với thế giới, NNTT và TSNA đã tạo ra những giá trị bền vững không chỉ cho các địa phương mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn toàn cầu về học tập suốt đời.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thành phố của Việt Nam quyết tâm gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, việc nhân rộng các mô hình như NNTT và TSNA sẽ góp phần đưa phong trào này đi vào thực chất và biến các cam kết thành hành động mạnh mẽ. Với tiềm năng sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trên bản đồ thành phố học tập của thế giới, đồng thời truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác trong việc kiến tạo các mô hình giáo dục sáng tạo, nhân văn và bền vững.

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

TRÊN HÀNH TRÌNH THAM GIA MẠNG LƯỚI THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

Tác giả: Trí Đức | Thiết kế: Lim Dim | Ảnh: NVCC…

Nguồn: Báo Quốc tế

Link: https://baoquocte.vn/tren-hanh-trinh-tham-gia-mang-luoi-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-ky-iii-diem-sang-can-nhan-rong-301745.html?gidzl=Vnff5GkP9WD-360R3OGb0786PniRY2TNEGjf6ng7Br0y3Jb87eP_L6mBEnv8Xdy0Rbi-7JH7ktSl2POc0m

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *