Báo cáo đánh giá tác động của Chương trình Tủ sách Nhân ái – Ngôi nhà Trí tuệ
Sau hơn 07 năm triển khai, mô hình Tủ sách Nhân ái (TSNA) và Ngôi nhà Trí tuệ (NNTT) đã phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc và bước đầu vươn ra các quốc gia khác trên thế giới, mang lại cơ hội đọc sách và học tập suốt đời cho hàng triệu trẻ em và người lớn. Nhằm đánh giá tác động mà hai chương trình này đem lại cho cộng đồng, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 05 nhóm đối tượng thụ hưởng chính gồm: (1) Học sinh, (2) giáo viên, (3) cán bộ địa phương, (4) phụ huynh và (5) thanh thiếu niên. Nội dung khảo sát tập trung đo lường sự cải thiện về (1) khả năng tiếp cận sách và các chương trình học tập suốt đời, (2) tác động của nó tới các nhóm kĩ năng học tập và giảng dạy và (3) tác động tới việc chuyển hoá thái độ, hành vi và giá trị sống của các đối tượng và cộng đồng thụ hưởng.
Bộ câu hỏi khảo sát được thiết kế khoa học, vừa mang tính bao trùm vừa mang tính đặc thù nhằm đảm bảo đánh giá toàn diện, đa chiều và khách quan về tác động của 02 mô hình đối với các nhóm đối tượng thụ hưởng. Mỗi nhóm đều đã có những phản hồi tích cực về những đổi thay của chính mình, gia đình mình và cộng đồng xung quanh mình khi tham gia vào những hoạt động khuyến đọc và khuyến học được tổ chức bởi TSNA và NNTT.
- Tác động tới việc tiếp cận sách và các chương trình học tập suốt đời
Kết quả khảo sát trên tất cả các đối tượng thụ hưởng đều cho thấy, mô hình TSNA và NNTT đã khắc phục được những hạn chế của thư viện truyền thống, giúp cho việc tiếp cận với sách của học sinh và người dân được cải thiện rõ rệt cả về số lượng sách mượn/đọc, chất lượng các đầu sách và thời gian đọc sách. Ngoài ra, NNTT cũng mang lại cơ hội tiếp cận các lớp học tiếng Anh và kĩ năng sống, kĩ năng toàn cầu hoàn toàn miễn phí và thúc đẩy giáo dục giao đình – giáo dục liên thế hệ mà hệ thống giáo dục chính quy, đặc biệt là ở các khu vưc nông thôn, chưa thể mang lại cho học sinh.
- Tác động tới các nhóm kỹ năng hoc tập của học sinh và chất lượng giảng dạy của giáo viên
Các nhóm kĩ năng học tập như kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng viết, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng phản biện, năng lực nghiên cứu khoa học, tư duy sáng tạo… của học sinh đều được tăng cường, dẫn tới kết quả học tập của các em được cải thiện rõ rệt. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc đọc sách ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy của giáo viên.
- Tác động tới việc chuyển hóa thái độ, hành vi và giá trị sống của các đối tượng và cộng đồng thụ hưởng
Việc đọc sách và tham gia các lớp giáo dục kĩ năng sống, các hoạt động thể dục thể thao và giao lưu văn hoá, kết nối xuyên biên giới tại TSNA và NNTT còn giúp học sinh và người dân có thái độ sống tích cực hơn, góp phần giảm tệ nạn xã hội, tăng cường tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và tinh thần trách nhiệm của toàn cộng đồng.
Trên đây là tóm tắt một số tác động nổi bật của chương trình TSNA, NNTT đối với các nhóm đối tượng và các cộng đồng thụ hưởng. Để đọc báo cáo chi tiết, mời độc giả download tại đây:
Tiếng Việt : Click here
Tiếng Anh: Click here