Đồng hành gieo tri thức trên đất Việt

98

Chuyên gia người Mỹ Ian Gardiner đang có chuyến khám phá Việt Nam đầy thú vị thông qua các cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa, giáo dục với những học sinh mà ông chỉ được ngắm nhìn và trò chuyện qua màn hình gần 2 năm qua. “Tất cả thật ấm áp và cảm động” – IAN GARDINER chia sẻ.

Giáo dục là chìa khóa thay đổi cuộc đời

– Cơ duyên nào ông biết và quyết định trở thành giảng viên tình nguyện cho Ngôi nhà Trí tuệ – mô hình giáo dục nhằm tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí tại Việt Nam?

Đồng hành gieo tri thức trên đất Việt -0

“Tôi rất thích hệ sinh thái Ngôi nhà Trí tuệ với sách vở, internet, những khóa học xuyên biên giới… vì đó chính là cầu nối, là đôi cánh để những đứa trẻ được lớn lên và sống với trí tưởng tượng, với mơ ước mà chúng đã nuôi dưỡng từ thời thơ ấu”.

Chuyên gia Ian Gardiner

– Khoảng 2 năm trước một người bạn Việt Nam làm việc cho Liên Hợp Quốc tại New York đã hỏi tôi có quan tâm đến việc hỗ trợ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh Việt Nam không. Tôi ngay lập tức bị thu hút bởi lời đề nghị này, bởi tôi yêu dạy học, việc dạy học đối với tôi tự nhiên như hơi thở vậy. Và thực tế nó vượt xa tất cả những gì tôi có thể mong đợi!

Ngôi nhà Trí tuệ tập hợp những con người tuyệt vời. Tôi thực sự mong ước có thể làm gì đó để đồng hành với họ trong hành trình gieo tri thức trên đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ đã tạo ra một môi trường học tập đích thực cho học sinh và giáo viên. Những điều nhỏ bé có sức mạnh thật to lớn! Mọi nỗ lực nhỏ của hôm qua và hôm nay sẽ nở rộ thành những điều vĩ đại trong tương lai. Và đó chính là những điều Ngôi nhà Trí tuệ đang làm. Tôi hạnh phúc được trở thành một phần của nỗ lực ấy.

– Lý do nào khiến ông yêu thích việc dạy học dù đó không phải công việc chính hiện nay của ông (Ian Gardiner làm quản lý và biên tập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và y tế tại New York)?

– Mọi đứa trẻ đều có thể nuôi dưỡng nhiệt huyết và mục đích sống nếu chúng ta trao cho chúng cơ hội giáo dục đúng đắn. Những đứa trẻ được đắm mình trong sách từ khi còn rất nhỏ thường nói rằng khi lớn lên chúng muốn trở thành bác sĩ, kĩ sư, vận động viên… dù chúng chưa từng được trải nghiệm nghề nghiệp đó. Chúng lớn lên với trí tưởng tượng và những giấc mơ đẹp đẽ.

Tôi tin rằng, giáo dục là chìa khóa thay đổi cuộc đời con người. Và đó chính là động lực thôi thúc tôi muốn dạy học. Tôi đã say mê học hỏi suốt những năm tháng tuổi trẻ và bây giờ tôi muốn chia sẻ lại với những người sẵn sàng lắng nghe, đón nhận. Điều thú vị của việc dạy học là khi bước vào thế giới này, bạn sẽ gặp vô số người ham học hỏi và bạn không ngừng ngạc nhiên mỗi ngày về những con người ấy.

Đồng hành gieo tri thức trên đất Việt -0
Chuyên gia Ian Gardiner xúc động trước tình cảm mà giáo viên, học sinh Việt Nam dành cho ông. Ảnh: Ngôi nhà Trí tuệ

Tin tưởng ở bản thân và nỗ lực học tập

– Gần 2 năm gắn bó với các lớp học của Ngôi nhà Trí tuệ, có học sinh hay kỷ niệm nào ông ấn tượng khó quên?

– Lần đầu tiên được mời tham gia buổi chia sẻ của Ngôi nhà Trí tuệ trên Zoom (21.6.2021), tôi đã ngay lập tức bị ấn tượng mạnh bởi bé Quỳnh. Khi đó Quỳnh mới 3 tuổi và cô bé đọc truyện từ một cuốn sách tranh tiếng Anh bằng giọng điệu và ngôn ngữ đặc biệt khó tả. Quỳnh đã trở thành học sinh đầu tiên và nhỏ tuổi nhất của tôi. Kể từ đó, gần 2 năm nay, thứ Bảy nào tôi cũng gặp Quỳnh qua Zoom, chưa tuần nào nghỉ. Tôi giơ cuốn truyện tiếng Anh lên trước camera và Quỳnh say mê đọc to thật diễn cảm. Đây là những truyện tranh tôi mượn từ thư viện của thành phố New York – những cuốn sách hay nhất dành cho thiếu nhi.

Ngoài lớp dạy kèm một thầy một trò, tôi cũng tôi dẫn dắt nhóm thảo luận của các giáo viên tiếng Anh của Ngôi nhà Trí tuệ. Chúng tôi có một chuỗi chủ đề để thảo luận mỗi tuần. Tôi luôn nói với các học viên rằng họ không cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực, tất cả những gì họ cần làm là nghiên cứu, chuẩn bị và thuyết trình khoảng 5 phút về chủ đề trong buổi học. Tôi thật sự khâm phục một học viên tên Huyền, vì cô ấy cố gắng dạy tiếng Anh thông qua các tác phẩm của Shakespeare. Bạn biết đó, hiểu Shakespeare thôi đã là cả một sự thách thức, để dạy thì còn khó gấp bội! Cô ấy phải nghiên cứu, học tập và làm việc vô cùng chăm chỉ để thực hiện được mong muốn này của mình.

Điều quan trọng nhất của việc học tập là chúng ta không ngừng mở rộng tư duy, góc nhìn về những thứ đang diễn ra xung quanh, những điều mà tự mình có thể ta không nhận thấy. Trong các lớp học này, dù tôi đóng vai trò thầy dạy về ngôn ngữ nhưng lại là người biết ít nhất, vì học viên của tôi đều nói và dạy học bằng tiếng Anh và tiếng Việt cùng lúc, còn tôi chỉ sử dụng duy nhất tiếng Anh mà thôi. Nếu trong lớp, mọi người bỗng quay sang thảo luận, nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì tôi sẽ trở thành “kẻ bên lề” ngay lập tức. Như thế, học viên có lợi thế hơn tôi rất nhiều, tất cả những gì họ cần là tin tưởng ở bản thân và tiếp tục nỗ lực học tập.

– Ông nhận xét thế nào về năng lực ngoại ngữ của học sinh Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung?

– Tôi không cho rằng học sinh Việt Nam hay người Việt Nam có khả năng học ngoại ngữ tốt hơn hay tệ hơn người dân ở các quốc gia khác. Đều quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc học của một người hay một cộng đồng chính là động lực và sự cam kết, kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Những học sinh Việt Nam mà tôi có cơ hội dạy đều có điểm chung rất tuyệt vời, đó là nếu có cơ hội để học, họ sẽ tận dụng tối đa. Văn hóa có vai trò rất quan trọng vì ở mỗi nền văn hóa, người ta sẽ coi trọng và theo đuổi những giá trị khác nhau. Tôi nghĩ rằng truyền thống hiếu học, trọng trí thức bắt rễ sâu trong văn hóa Việt Nam và những cá nhân mà tôi may mắn được tiếp xúc chính là những đại diện của nền văn hóa đó.

Sự “hy sinh” từ hai phía

– Mỗi tuần ông dành 5 – 6 tiếng, thậm chí nhiều hơn, để dạy miễn phí học sinh và giáo viên Việt Nam trong khi cuối tuần lẽ ra là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Ông có coi đó là một sự hy sinh không?

– Trước hết, tôi không muốn dùng từ “miễn phí” bởi tôi thấy rằng lớp học của mình rất đắt giá. Khi giáo viên, học sinh tham gia những lớp học đó, họ đã trả giá rất cao cho tôi vì họ đã bỏ thời gian, công sức, sự nỗ lực, các chi phí cơ hội của họ để học tập và đặt niềm tin ở tôi như một người thầy. Đó là cái giá mà không tiền bạc nào đo đếm được.

Thứ hai, vâng tất nhiên tôi đã “hy sinh” thời gian cá nhân của mình cho việc dạy và chính sự hy sinh đó mang lại ý nghĩa cho hoạt động này. Bạn biết đó, ta chỉ “hy sinh” cho thứ gì mà ta cho là đáng giá, thứ gì ta thực sự trân trọng và đề cao. Thật hạnh phúc biết bao khi có thứ gì trên đời khiến ta có thể tình nguyện “hy sinh” trong niềm vui và hạnh phúc. Tôi may mắn khi có cơ hội được gặp gỡ những người ở nửa kia của quả địa cầu, những người chào đón tôi, cần đến tôi, cũng như cách mà tôi yêu quý và cần đến họ.

– Ông có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với các lớp học online tại Ngôi nhà Trí tuệ không?

– Tương lai là điều chúng ta không thể khẳng định, nhưng tôi luôn mong được đồng hành và đóng góp phần nhỏ bé của mình cho Ngôi nhà Trí tuệ. Tôi biết rằng Ngôi nhà Trí tuệ có tới hàng nghìn tình nguyện viên, mỗi người có thế mạnh, chuyên môn khác nhau và đóng góp cho tổ chức cũng khác nhau. Tôi hạnh phúc vì mình đã trở thành một phần trong ngôi nhà chung ấy.

– Xin cảm ơn ông!

 

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân – Tiếng nói của Quốc hội

Tác giả: Liên Anh

Link: Đồng hành gieo tri thức trên đất Việt – Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *