Vị Giáo sư Mỹ yêu và “nặng nợ” vì Việt Nam

130

01 Magazine 2023
VIỆT NAM LIÊN TỤC LÀM TÔI ẤN TƯỢNG

Ông có thể cho biết cảm nghĩ của mình về chuyến thăm trụ sở Báo Thanh Niên và gặp Tổng biên tập của chúng tôi?

Đây là một vinh dự đặc biệt. Tôi đã được gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập một tờ báo lớn của VN. Hôm đó, còn có các nhà sáng lập Tủ sách Nhân ái (TSNA) và Ngôi nhà Trí tuệ (NNTT), cùng một nhóm kiến trúc sư, và biết ông Nguyễn Ngọc Toàn đang trong quá trình xây dựng một ngôi nhà ở mảnh đất thời thơ ấu của mình thành một thư viện cộng đồng. Điều này cho thấy ý thức cộng đồng và tính tương hỗ của người Việt mà tôi rất trân trọng. Trong cuộc gặp gỡ này, tôi đã nhắn tin cho một người bạn là nhà văn đang sống ở TP.HCM, nói rằng “Bạn sẽ không tin tôi đang ngồi trong phòng của ai đâu!”. Ông Nguyễn Ngọc Toàn rất tốt bụng và ông ấy đã tặng tôi nhiều món quà mà tôi rất trân trọng, bao gồm một cuốn sách giúp tôi học tiếng Việt và một chiếc áo Thanh Niên mà tôi tự hào mặc để “giả vờ” là người địa phương.

Xin ông cho biết đôi chút về công việc của mình ở quê hương?

Tôi là giáo sư về bộ môn viết văn tại Đại học Alaska Anchorage (UAA), một trường đại học công lập ở bang Alaska quê hương tôi. Tôi dạy các khóa học về viết chuyên nghiệp và học thuật cho sinh viên toàn trường. Tôi cũng có sở thích nghiên cứu đặc biệt về thơ ca, văn học Nga, văn hóa bản địa của Alaska. Tôi là chủ tịch sáng lập Khoa Viết văn tại UAA, đồng biên tập một tạp chí văn học quốc tế và một bộ sách về thơ ca vùng Bắc cực. Gần đây, tôi đã hoàn thành một tập thơ với mục đích suy ngẫm về chủ nghĩa thực dân ở Alaska và VN từ các quan điểm lịch sử, sinh thái và cá nhân…

PGS Shannon Gramse rất quý cuốn sách mà nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên N.A.T

Cơ duyên nào đưa ông đến VN và tích cực tham gia các hoạt động chia sẻ, truyền cảm hứng cho học sinh tại các điểm Ngôi nhà Trí tuệ?

Vợ tôi cũng là giáo sư tại Đại học Alaska Anchorage, chuyên về giáo dục tiếng Anh. Năm 2019, cô ấy được Trung tâm Đào tạo khu vực của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) tại TP.HCM mời sang giảng dạy, đào tạo nhân viên và hỗ trợ công tác hành chính. Gia đình chúng tôi sống ở đây được một năm và chúng tôi yêu VN. Trong thời gian này, vợ tôi dạy một khóa học cho các doanh nghiệp xã hội, liên kết với SEAMEO RETRAC và Trung tâm Hoa Kỳ của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. Ở đó cô ấy đã gặp Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập TSNA và NNTT. Chúng tôi được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của anh ấy về giáo dục cộng đồng và học tập suốt đời cho mọi người, vì vậy chúng tôi muốn tham gia.

PGS Shannon Gramse cùng vợ là GS Sarah Kirk và con gái giao lưu với học sinh Hà Tĩnh N.A.T

Ông nhận xét thế nào về những thuận lợi và khó khăn của giới trẻ VN, đặc biệt là lứa tuổi học đường mà ông có dịp tiếp xúc, trao đổi?

VN liên tục làm tôi ấn tượng, đặc biệt sự nhiệt tình và thân thiết của học sinh, sinh viên. Với những phẩm chất này, cốt lõi của mọi hoạt động học tập đích thực, học sinh ở đây dường như vượt xa những học sinh điển hình của tôi ở Alaska. Tôi thích quan sát các học sinh VN trong bộ đồng phục đạp xe đến trường, chở nhau đi và nói cười cùng nhau. Tôi hình dung các em chắc phải cảm thấy gắn kết với nhau với mục tiêu chung nhiều hơn so với các bạn học sinh Mỹ. Tôi hiểu rằng giáo dục VN có truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm và tập trung vào học thuộc lòng, nhưng tôi cũng biết điều này đang thay đổi. Tương tự, những giáo viên mà tôi gặp ở VN khiến tôi ấn tượng vì họ rất quan tâm và nắm rõ thông tin. Truyền thống văn hóa bền chặt, mọi người cảm thấy là một phần của một cái gì đó đặc biệt và duy nhất của riêng họ. Phần lớn, chúng tôi đã đánh mất cảm giác này ở đất nước của tôi. Tôi cũng đã nói chuyện với nhiều học sinh tài năng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều học bổng, nhiều cơ hội hơn để học tập một cách tích cực và mang tính, ứng dụng. Phụ huynh VN dường như có ảnh hưởng nhiều hơn đến nguyện vọng học tập của học sinh so với các gia đình ở quê hương tôi, điều này đôi khi có thể vừa là lợi thế vừa là bất lợi. Nói chung, tôi nhận thấy rằng trong khi sinh viên Mỹ có thể được hưởng các đặc quyền kinh tế đáng kể, thì sinh viên VN được hưởng lợi từ bối cảnh trí tuệ và cảm xúc vượt trội để hỗ trợ việc học của họ.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động của chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ?

Tôi ngạc nhiên về tầm nhìn, năng lượng tích cực và tác động rõ ràng của các chương trình này. Bên cạnh các thư viện cộng đồng, NNTT còn cung cấp các lớp học với nhiều chủ đề bao gồm âm nhạc và khiêu vũ truyền thống, phương pháp nông nghiệp, an toàn điện, may vá, bơi lội, nấu ăn, tài chính cá nhân và quản lý sự nóng giận… Nhiều NNTT còn bao gồm các bảo tàng nhỏ về lịch sử của ngôi làng, về kiến thức truyền thống của họ như cây thuốc và các điểm đến đáng tự hào của địa phương. Các câu lạc bộ tiếng Anh đặc biệt phổ biến. Tôi thích cách mà NNTT bổ sung cho các trường học truyền thống. “Chúng tôi dạy mọi thứ không được dạy hoặc dạy không đủ ở trường. Và chúng tôi làm như vậy trong một môi trường thoải mái, ai cũng được chào đón. Mọi thứ đều miễn phí cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Không có bài kiểm tra hoặc điểm số. Không ai được trả lương. Động lực duy nhất là niềm đam mê học hỏi và chia sẻ”, Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập TSNA và NNTT, nói với tôi. Tôi tin rằng Nguyễn Anh Tuấn và các cộng sự của anh ấy đang tạo ra những tác động rất tích cực đến tương lai của VN. Hơn 100 NNTT đang hoạt động ở 12 tỉnh thành, nhưng tổ chức mẹ phi lợi nhuận, phi tập trung với ngân sách hằng năm rất nhỏ. Tôi đã làm việc với các chương trình giáo dục cộng đồng ở Alaska với ngân sách hàng chục triệu USD nhưng lại tạo ra những kết quả kém ý nghĩa hơn nhiều. Vào tháng 7, tôi sẽ công bố một bài báo trên Tạp chí Kinh doanh Alaska, với câu hỏi: “Tại sao chúng ta không có bất cứ thứ gì giống như NNTT ở Alaska?”, nhắc nhở các lãnh đạo doanh nghiệp ở bang của tôi rằng hoạt động nhân ái và trách nhiệm xã hội là của tất cả mọi người, không chỉ của giới siêu giàu.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên gặp gỡ PGS Shannon Gramse và các thành viên TSNA – NNTT N.A.T
02 Magazine 2023
VIỆT NAM ĐÃ THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Ông thích điều gì nhất khi đến đất nước chúng tôi, và kỷ niệm đáng nhớ nhất về những chuyến đi đó là gì?

Trải nghiệm tại VN đã thay đổi cuộc đời tôi. Thật khó để nói điều này có được chỉ do một thứ, nhưng tóm lại, có thể nói rằng tôi đánh giá rất cao ý thức cộng đồng mà mình cảm nhận được. Giao thông ở TP.HCM là một ví dụ. Nó có vẻ hỗn loạn trên bề mặt, nhưng nó (thường) chảy như nước và có một sự tĩnh lặng giống như Thiền ngay bên dưới sự hỗn loạn. Ở đất nước của tôi, giao thông như thế này sẽ dẫn đến một tiếng gầm giận dữ khổng lồ bởi vì mỗi người trước hết sẽ hành động vì lợi ích cá nhân. Tôi cũng thích đồ ăn VN, và càng ngày tôi càng thích học tiếng Việt, mặc dù nó khó. Ở nhà, tôi học một chút mỗi ngày bằng Duolingo hoặc YouTube, nhưng ở đây tôi đắm chìm trong việc nghe, nói và đọc tiếng Việt, vì vậy sự tiến bộ của tôi tăng nhanh đáng kể.

Tôi cũng vinh dự vừa được gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông đã ân cần khen ngợi vốn tiếng Việt tuy còn nghèo nàn của tôi và mời tôi dành nhiều thời gian hơn ở đây trong tương lai. Đó là một khoảnh khắc đặc biệt mà tôi sẽ không bao giờ quên. Lịch sử đan xen, có phần bi thảm của đất nước chúng ta cũng thường hiện hữu trong tâm trí tôi. Và tôi cảm thấy như thời gian mình ở đây để kết bạn, cảm thấy được chào đón, học hỏi không ngừng, chia sẻ kiến thức liên quan của mình, góp phần nhỏ vào một chương mới, tích cực hơn mà tất cả chúng ta đang viết cùng nhau.

PGS Shannon Gramse giao lưu với học sinh tại Hà Tĩnh N.A.T

Được biết, ông là một trong những người đã tích cực hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Hà Tĩnh kết nối, đưa cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất từ cựu binh Mỹ Peter Mathews về VN và trao trả cho gia đình vào tháng 3.2023. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện thú vị này?

Bạn đã nói đến một vinh dự đặc biệt nữa mà nhân dân VN đã dành cho tôi. Trong chuyến đi mùa đông vừa rồi, tôi và gia đình đã kết bạn với các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Vài tuần sau khi trở về Alaska sau chuyến giao lưu văn hóa và giáo dục, Chủ tịch UB MTTQ VN tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân đã liên lạc với tôi và nhờ hỗ trợ kết nối với ông Peter Mathews. Peter Mathews đã đăng một câu chuyện trên tờ báo địa phương từ New Jersey về việc mình đang cố gắng tìm chủ sở hữu hợp pháp cuốn nhật ký như thế nào. Ông Trần Nhật Tân nói với tôi rằng ông nghĩ có thể xác định được gia đình của liệt sĩ và nhờ tôi liên lạc với Peter Mathews. Tôi không đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tuyệt vời này, nhưng tôi đã giúp thiết lập mối liên hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc, đôi khi tư vấn cho cả hai bên về cách tiến hành. Đối với tôi, đó là một ví dụ rất xúc động về sự hòa giải và tha thứ. Tôi đã kể lại câu chuyện này gần đây trong một bài thuyết trình về quan hệ Việt – Mỹ tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhưng tôi đã phải cắt ngắn vì tôi bắt đầu khóc. Giá như cả thế giới có thể hiểu được một ví dụ như vậy, về cái cách mà ngay cả trong ký ức những người còn sống, những kẻ thù cũ đã trở thành những người bạn với nước mắt nghẹn ngào.

PGS Shannon Gramse thăm một gia đình liệt sĩ N.A.T

Dự định của ông trong lần trở lại đất nước chúng tôi thời gian tới?

Tôi hy vọng mình có thể tiếp tục tham gia tình nguyện cho NNTT, tiếp tục cộng tác với các trường đại học VN, tiếp tục hoạt động giao lưu đầy ý nghĩa lớn lao này. Nguyễn Anh Tuấn và tôi mơ ước tạo cơ hội cho các thành viên NNTT theo học tại trường đại học của tôi, nên có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ có thể đáp lại sự chào đón nồng nhiệt mà tôi đã nhận được tại VN.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Link gốc: Báo Thanh Niên, tác giả Quang Viên https://thanhnien.vn/vi-giao-su-my-yeu-va-nang-no-vi-viet-nam-185230701222355281.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *