Hà Tĩnh phải cùng Nghệ An, Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới
“Hà Tĩnh phải cùng Nghệ An, Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới nổi của cả nước. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, kinh tế số”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ. “Cho nên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao có tác động lan tỏa là rất quan trọng. Chúng ta có quyền lựa chọn đầu tư để có dự án tốt”.
Theo báo cáo của tỉnh, năm nay, kinh tế Hà Tĩnh ước tăng trưởng trên 5%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4 trong khu vực Bắc Trung Bộ. Sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; thu ngân sách dự kiến cả năm đạt 16.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 65,2 triệu đồng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ ấn tượng về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Hà Tĩnh đạt được. Phó Thủ tướng cho biết, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông thì có 109 km đi qua Hà Tĩnh, theo tiến độ, dự kiến, sẽ hoàn thành vào năm 2025. “Khi hoàn thành, trên địa bàn có 109 km đường cao tốc, tạo dư địa lớn về thu hút đầu tư, tạo nguồn lực mới cho Hà Tĩnh”, Phó Thủ tướng nói.
Trước đề xuất của Hà Tĩnh liên quan đến các dự án điện, Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sát sao để có thể hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII trong thời gian sớm nhất. Theo đó, nguồn điện đã được bố trí cơ bản phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Theo tính toán, đã giảm hơn 6.600 km đường dây truyền tải, tương đương hơn 250.000 tỉ đồng. Cơ cấu nguồn điện được điều chỉnh phù hợp hơn, giảm năng lượng hóa thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu. Trong thời gian tới, sẽ không tính nguồn điện mặt trời vào tổng hệ thống, thay vào đó khuyến khích phát triển điện mặt trời theo hướng tự sản xuất, tự tiêu dùng.
“Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, nhiều chỉ tiêu quan trọng của kinh tế-xã hội như tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách tích cực, xuất khẩu tăng đột biến, văn hóa và an sinh xã hội được quan tâm, trong đó huy động được hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà kiên cố cho gia đình khó khăn cũng như nhà phúc lợi cho người dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phát biểu kết luận. Tỉnh đã xây dựng được 3.500 nhà cho người nghèo. Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh đã có những mô hình mới như nhà văn hóa cộng đồng đa năng hoạt động hiệu quả với 41 nhà theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Chủ tịch nước đề nghị Hà Tĩnh phát huy những lợi thế của tỉnh như cảng nước sâu, giao thông đường bộ, đường sắt, con người có khát vọng vươn lên để nắm bắt thời cơ phát triển mạnh mẽ giống như thành công trong xây dựng nông thôn mới với 94% số xã đạt chuẩn. “Trước mắt là thực hiện tốt mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện cho sản xuất và lưu thông hàng hóa, nhất là tiêm vaccine. Lưới an sinh cần phải được phủ rộng hơn và sâu hơn vì tỉ lệ hộ nghèo còn trên 3%”.
Hà Tĩnh cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư các nhà đầu tư, nhất là thu hút vào khu công nghiệp Vũng Áng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Phát huy truyền thống văn hóa hiếu học, tỉnh cần tiếp tục quan tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Với các đề xuất của Hà Tĩnh, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết. Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cũng cần tận dụng mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, trong đó có nguồn vốn nhà nước đầu tư, nguồn vốn vay ADB, trong đó phải khẩn trương giải quyết về thủ tục:
“Hà Tĩnh phải cùng Nghệ An, Thanh Hóa tạo nên một cực tăng trưởng mới nổi của cả nước. Tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa nền tảng phát triển, trong đó chú ý “cỗ xe tam mã” là sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi số và đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số, kinh tế số”, Chủ tịch nước nói. “Không chỉ một nhà máy pin mà cần nhiều nhà máy công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động. Cho nên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao có tác động lan tỏa là rất quan trọng. Chúng ta có quyền lựa chọn đầu tư để có dự án tốt. Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài thì yếu tố then chốt là phát huy nội lực, các doanh nghiệp nội địa”.
Có quy hoạch rõ nét hơn để thúc đẩy phát triển, trong đó cần phát triển nông nghiệp toàn diện, đa chức năng. Tỉnh cũng cần phát động thực hiện phong trào trồng cây xanh theo chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh. Từ bài học sự cố môi trường trước đây thì tỉnh cần giám sát, bảo vệ môi trường một cách chặt chẽ. Xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng đô thị văn minh.
Cần nhân rộng mô hình nhà văn hóa cộng đồng
Trước đó, trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm mô hình nhà văn hóa cộng đồng – ngôi nhà trí tuệ tại thôn Phan Chu Trinh, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau khi gánh chịu cơn lũ lịch sử năm 2020, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân thôn Phan Chu Trinh đã đóng góp tiền và ngày công để cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh lũ trị giá trên 2 tỷ đồng và hoàn thành vào tháng 5 vừa rồi. Nhà văn hóa mới có hạ tầng rất hoàn thiện, với công năng của ngôi nhà trí tuệ, như khu vui chơi trò chơi dân gian, cờ vua, cờ tướng, bóng bàn và thư viện 1.500 đầu sách. Nhiều câu lạc bộ như tiếng Anh, dân ca ví dặm, dân vũ, cầu lông, thơ ca… thu hút hàng trăm người dân tham gia.
Nói chuyện với bà con thôn Phan Chu Trinh, Chủ tịch nước bày tỏ rất ấn tượng được chứng kiến các hoạt động sôi nổi, lành mạnh của của bà con thôn tại nhà văn hóa. Bên cạnh chức năng chống tránh lũ, việc sinh hoạt cộng đồng thường xuyên tại nhà cộng đồng này góp phần vun đắp, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời giáo dục được lòng yêu nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ; cũng là nơi để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân một cách kịp thời.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng 1.000 đầu sách cho nhà văn hóa, ngôi nhà thông minh thôn Phan Chu Trinh, giúp nhân dân có thêm lựa chọn để đọc, nghiên cứu nâng cao trí tuệ.
Với tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch nước cho biết, toàn tỉnh mới có 41 nhà văn hóa đa năng, ngôi nhà thông minh như thôn Phan Chu Trinh, nên cần nhân rộng mô hình này theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, nhà nước hỗ trợ, các nhà hảo tâm đóng góp, người dân đóng góp ngày công xây dựng. Chủ tịch nước cũng biểu dương tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã xây dựng gần 3.500 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách.
Cần đặc biệt quan tâm tới môi trường trong sản xuất thép
Trước đó, chiều qua, trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát và làm việc với Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo báo cáo của Formosa Hà Tĩnh, tổng vốn đầu tư của dự án là gần 12,8 tỷ USD. Hiện các đơn vị sản xuất đều đang hoạt động ổn định với 6.800 lao động, trong đó có 6.200 là người Việt Nam và lao động tại Hà Tĩnh chiếm khoảng 78%. Năm ngoái, sản lượng phôi thép đạt 5,8 triệu tấn, sản phẩm thép tiêu thụ đạt 5,9 triệu tấn, doanh thu 3 tỷ USD, quý IV đã bắt đầu có lãi. Dự kiến năm nay, sản lượng phôi thép đạt 6,4 triệu tấn, lượng tiêu thụ sản phẩm thép 6,3 triệu tấn, doanh thu khoảng 5 tỷ USD, tăng 76% so với năm 2020 và lợi nhuận ước tính cả năm đạt trên 1 tỷ USD. Năm ngoái, Công ty đã đóng thuế 220 triệu USD, dự kiến năm nay là 350 triệu USD.
Thị sát một số hạng mục công trình của dự án, phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh COVID-19, Công ty FHS vẫn duy trì tốt sản xuất, giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động, nhất là lao động địa phương. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết tốt vấn đề vaccine ngừa COVID-19 cho dự án để sớm ổn định sản xuất. Chủ tịch nước cũng ghi nhận FHS đã có nhiều tiến bộ trong công tác bảo vệ môi trường.
Chủ tịch nước cho rằng, sản lượng thép quy mô lớn của FHS đã góp phần bình ổn thị trường vật liệu xây dựng trong nước; tăng cường các chỉ số xuất khẩu và góp phần giảm nhập siêu của Việt Nam. Đặc biệt, FHS có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Lãnh đạo Công ty FHS cần đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong sản xuất; tiếp tục bảo đảm tốt môi trường tự nhiên, môi trường sống trong khu vực và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các sản phẩm từ thép, Chủ tịch nước đề nghị Công ty FHS sẽ tiếp tục mở rộng các sản phẩm mới để đóng góp vào thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam; không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là trí tuệ nhân tạo để có những sản phẩm ngày càng chất lượng, an toàn hơn cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Đức Tuân – Nguồn Báo điện tử Chính phủ – Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Link gốc: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Ha-Tinh-phai-cung-Nghe-An-Thanh-Hoa-tao-nen-mot-cuc-tang-truong-moi/455875.vgp
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: