Ngôi nhà trí tuệ – Hệ sinh thái học tập suốt đời cho trẻ em và người dân nông thôn

93

Mạng lưới các Ngôi nhà Trí tuệ là một trong những chương trình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tạo ra tác động đáng kể trong việc kiến tạo hệ sinh thái học tập suốt đời cho trẻ em và người dân nông thôn.

Xã hội học tập – một nấc thang mới về tiến bộ xã hội

Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn “Đâu là nguồn gốc của những biến đổi xã hội qua các thời đại?”, GS. Joseph E. Stiglitz – Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng thế giới (WB), chủ nhân Giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2001 đã ghi nhận: “Tốc độ học tập là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng cuộc sống ngày càng tăng cao…” 

Nếu như từ thế kỷ XVIII trở về trước, đa số nhân loại phải sử dụng hầu hết thời gian của mình vào việc phục vụ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm, quần áo và chỗ ở; thì nay với phần lớn người dân ở các nước tiên tiến, họ chỉ cần vài ngày hoặc thậm chí vài giờ lao động để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản này. 

Hàm lượng tri thức được chuyển vào trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ càng nhiều, giá trị của chúng càng cao. Tốc độ phát triển của công nghệ và tốc độ học tập (đổi mới) đã và đang đẩy con tàu kinh tế lao đi với tốc độ nhanh chưa từng có. Sự chuyển hóa của xã hội thành những “xã hội học tập”, điều đã xảy ra vào khoảng những năm 1800 trong những nền kinh tế phương Tây và gần đây là một số nước ở châu Á, xem ra đã có tác động to lớn lên hạnh phúc của con người hơn là những cải thiện trong hiệu quả phân phối hoặc tích lũy tài nguyên.

Thêm vào đó, với những thuận lợi về thời đại dân số vàng, ở ngay giữa dòng chảy của tư bản, công nghệ tại khu vực năng động bậc nhất thế giới, Việt Nam chúng ta đang nắm trong tay thời cơ để tự quyết vận mệnh tương lai của mình. Tuy nhiên, dù lựa chọn con đường nào, chúng ta cũng phải tập trung vào nền tảng quan trọng nhất là giáo dục, hun đúc phẩm hạnh, trí tuệ, khát vọng và lòng tự tôn dân tộc nơi mỗi người dân. Mọi quốc gia hạnh phúc và thịnh vượng đều có điểm xuất phát và cốt lõi là những “xã hội học tập” với hạt nhân là những công dân học tập suốt đời..

Làm thế nào để “gieo trồng” những công dân học tập suốt đời?

Điểm khác biệt đầu tiên phân biệt Ngôi nhà Trí tuệ với các mô hình hoạt động nhân ái trong lĩnh vực giáo dục khác ở Việt Nam hiện nay chính là sứ mệnh của nó đã được người sáng lập – anh Nguyễn Anh Tuấn – vạch rõ từ rất lâu trước khi mô hình ra đời, đó là: tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí, nơi con người học chủ yếu vì mong muốn có kiến thức để áp dụng vào cuộc sống, vì niềm đam mê tri thức, sự hiểu biết, vì tình yêu vẻ đẹp trí tuệ.

Ngôi nhà trí tuệ đã trở thành điểm đến yêu thích của các em học sinh. Ảnh: MH

Mục tiêu nhất quán của các Ngôi nhà Trí tuệ là thúc đẩy việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết và lan tỏa lòng nhân ái một cách sâu rộng trong cộng đồng. Đó là những không gian  mọi người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng có thể vừa học vừa chơi, được bạn bè, thầy cô lắng nghe, trân trọng và chia sẻ, được hỗ trợ giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong những bài học tại trường lớp cũng như nhiều vấn đề các em quan tâm, băn khoăn trong cuộc sống hàng ngày như làm sao để đọc sách hiệu quả, làm sao để học mọi thứ nhanh hơn và ghi nhớ bài học lâu hơn, hay những câu hỏi lạ lùng như: Em là ai? Hạnh phúc là gì? Học để làm gì?…

Ngôi nhà Trí tuệ là không gian học tập suốt đời, không giới hạn bất cứ môn học nào, mọi người tới đây để học tất cả những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, từ các kiến thức khoa học tự nhiên tới khoa học xã hội, từ xây dựng nền tảng văn hóa tới định hướng nghề nghiệp, từ cách sử dụng tiếng Việt tới các ngoại ngữ,… 

Tuy nhiên, khác với trường học, Ngôi nhà Trí tuệ không đánh giá học lực qua điểm số, không có học bạ, không thi cử, xếp hạng… Do vậy, đây là mảnh ghép hoàn chỉnh bổ trợ cho việc học trong các hệ thống trường lớp chính quy khác.

Đặc biệt, Ngôi nhà Trí tuệ là nơi giúp mọi người chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết cho nhau một cách dễ dàng nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất với phương châm bất cứ ai cũng là thầy hoặc học trò của một ai đó. Không đơn thuần sự trao truyền tri thức như ở trường học là một chiều từ thầy cô tới học sinh, ở Ngôi nhà Trí tuệ một thầy giáo dạy toán hôm nay có thể đứng lớp dạy đạo hàm, tích phân nhưng ngày mai có thể ngồi ở dưới lắng nghe một bác nông dân chia sẻ về cách gieo trồng, chăm bón cây ăn quả. Một bác thợ điện có thể dành một ngày cuối tuần dạy các cháu nhỏ về an toàn điện, cấu tạo và cách lắp ráp bảng điện ở nhà và các con có thể thực hành được ngay trong vài giờ đồng hồ. 

Thậm chí, các anh chị cấp 2, cấp 3 có thể phụ đạo những môn mà mình giỏi cho các em tiểu học. Và đặc biệt, những chuyên gia ở thành phố, những giáo viên từ nước ngoài có thể sắp xếp thời gian dạy trực tuyến cho các em bất cứ lúc nào có thời gian.

Những năm qua Ngôi nhà Trí tuệ đã và đang cung cấp những khóa học miễn phí cho các em thanh thiếu niên, nhi đồng cũng như tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn, ít có cơ hội tiếp cận các khóa học chính quy, tập trung. Nhiều vùng nông thôn, trước đây các bố mẹ phải chở con từ các xã xuống thị trấn cách xa cả chục km để học tiếng Anh, thì nay đã có các lớp học miễn phí ngay gần nhà do các thầy cô, các anh chị lớp trên đứng lớp, thậm chí còn có cả những giáo viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy.

Ngôi nhà Trí tuệ đã, đang và sẽ tạo cơ hội cho thật nhiều người, kể cả những người sống tại khu vực xa xôi, khó khăn có thể dễ dàng tham gia hoạt động nhân ái, đơn giản nhất là bằng cách chia sẻ kiến thức, sự hiểu biết của mình cho người khác, lan tỏa lòng nhân ái tới tất cả mọi người. Qua đó, bất cứ ai cũng có thể trở thành những thành viên tích cực của cộng đồng, được dự phần vào những đổi thay của ngôi làng mình đang sống, vùng quê mình đang ở và rộng hơn là cho đất nước và thế giới này.

Hệ sinh thái học tập suốt đời ở Ngôi nhà Trí tuệ

“Hệ sinh thái” ở đây có thể hiểu là một môi trường giáo dục tích cực và toàn diện, có khả năng hướng thượng cho mỗi cá nhân khi tham gia, từng bước trở thành những người có đầy đủ trí tuệ và nhân ái để học tập, làm việc, cống hiến và làm đẹp cho đời. Hiển nhiên, môi trường đó không thể thiếu những cuốn sách hay, những người bạn tốt và những người thầy giỏi – như lời ông bà chúng ta thường dạy: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Ngay cụm từ “Hệ sinh thái” còn gợi cho chúng ta về những gì tươi xanh và sống động, nơi mà tất cả các thành viên đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời. 

Vậy “hệ sinh thái” ấy có điều gì đặc biệt?

Đầu tiên, mỗi Ngôi nhà Trí tuệ đều trang bị một thư viện lớn miễn phí với hàng ngàn cuốn sách hay đủ các thể loại phục vụ các em học sinh nói riêng và người dân địa phương nói chung. Trẻ em có thể tìm thấy ở đây rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển cho thiếu nhi, những cuốn sách khoa học khám phá đầy lý thú, những cuốn truyện tranh Ehon, picturebook song ngữ, rất nhiều sách về các danh nhân, sách kỹ năng sống, học làm người, sách tự học chơi cờ vua, học nhạc, học võ,… 

Các bố mẹ dễ dàng tìm thấy những cuốn sách nuôi dạy con, dinh dưỡng, sức khỏe, y học thường thức bổ ích. Các giáo viên có thể tìm kiếm các tư liệu phục vụ giảng dạy các môn học của mình. Các bác nông dân thì có những sách về cách nuôi cá, trồng rau sạch,… Ngoài thư viện sách giấy, còn có một Thư viện trực truyến với rất nhiều sách hay và tài liệu học tập bằng ebook, audio, video,… được các tình nguyện viên và các thầy cô xây dựng.

Tiếp theo, Ngôi nhà Trí tuệ mở các lớp học miễn phí với nhiều môn học, trong đó đặc biệt ưu tiên môn Tiếng Anh duy trì đều đặn hàng tuần, trong năm học thì mỗi tuần 1-2 buổi vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, vào dịp nghỉ hè thì học luôn các buổi trong tuần, có giáo viên người địa phương và giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy. 

Ngôi Nhà Trí Tuệ đặc biệt ưu tiên việc góp sức đưa Tiếng Anh với giáo viên bản ngữ về với các em học sinh ở những khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi và khó khăn của đất nước Việt Nam.

Cùng với đó là các lớp học chuyên đề trau dồi kỹ năng sống (vốn hầu như chưa có hoặc rất hiếm có tại các trường phổ thông từ cấp học mầm non tới THPT), giúp các em sớm biết cách định hướng và tự quản trị cuộc đời mình, biết tối ưu hóa những năng lực của bản thân. Những lớp học này bao gồm nhưng không giới hạn các chủ đề như: hiểu về lòng nhân ái, các loại hình thông minh, phương pháp học tập hiệu quả, phương pháp ghi nhớ, làm việc nhóm, làm thế nào để trở thành một công dân toàn cầu, giá trị của việc đọc sách, phương pháp đọc sách, cho và nhận, bí mật ngôi sao may mắn, những câu chuyện thú vị trong lịch sử và những bài học cho mọi người, kỹ năng tạo động lực, tự thể hiện bản thân; kỹ năng thiết lập mục tiêu, sử dụng thời gian, biết tôn trọng, lắng nghe và khích lệ người khác, học làm giáo viên, cách vệ sinh, chăm sóc thân thể, kiểm soát cơn giận, bảo vệ sức khỏe, biết cách quản lý tiền bạc, tiêu pha tiết kiệm, kỷ luật ngay từ nhỏ…

Ngoài ra, các em còn được học cách trồng trọt, may vá, nấu ăn, làm bánh, thổi sáo, hát ru, lắp ráp dụng cụ điện và sử dụng điện an toàn…Các buổi học này do nhiều thầy cô giáo tại địa phương hoặc từ nhiều vùng miền của Tổ quốc và quốc tế tham gia truyền đạt.

Đặc biệt, Ngôi nhà Trí tuệ là một trong số rất ít các mô hình hiện nay tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của các chuyên gia trong các ngành, lĩnh lực, đặc biệt là giáo dục, y tế và nông nghiệp với người dân các địa phương. Đây cũng là nơi hội họp trao đổi, tranh luận, chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người dân địa phương với nhau. 

Đặc biệt, những người con xuất thân từ nông thôn nghèo khó, sau này học hành đỗ đạt, kinh doanh thành công… sẽ trở về ngay nơi mình sinh ra để chia sẻ những kinh nghiệm làm việc, học hành, kinh doanh, nhân sinh quan, thế giới quan và cả những sai lầm, thất bại của mình cho thế hệ trẻ tại quê nhà và tất cả bà con đồng hương, bạn bè xưa cũ trong lối xóm.

Với những em học sinh có nhiều nỗ lực trong học tập, giúp đỡ bạn bè, bố mẹ, thầy cô, tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động của Ngôi nhà Trí tuệ như một tình nguyện viên sẽ được khen thưởng khích lệ bằng những suất học bổng hoặc các khóa học tiếng Anh ở các trung tâm Anh ngữ. Đó là những phần thưởng nhằm khích lệ những nỗ lực tự thân của các em và đồng thời tạo những hạt giống tốt cho thế hệ tiếp nối sau này.

Nhằm giúp các em học sinh có được những môi trường phát triển toàn diện và phát huy sở thích, sở trường của mỗi em, Ngôi nhà Trí tuệ còn hỗ trợ thành lập rất nhiều các câu lạc bộ như bảo vệ môi trường, câu lạc bộ võ thuật, câu lạc bộ cờ vua,… Đáng chú ý nhất trong số đó là câu lạc bộ Tiếng Anh, nơi các em thực hành giao tiếp, thuyết trình, hùng biện về nhiều chủ đề, thậm chí còn được các thầy cô bản ngữ tham gia hỗ trợ về ngữ âm, giúp các em sớm hình thành sự tự tin và khả năng phản xạ tốt bằng tiếng Anh.

Một điều vô cùng thú vị là vô tình Ngôi nhà Trí tuệ trở thành những “khách sạn sinh thái mini” cho những thầy cô giáo từ phương xa về sống và giảng dạy: có phòng nghỉ lại, có người dân địa phương phục vụ cơm nước (hoặc khách tự nấu). Khách có thể sáng đi leo núi, tắm sông, dạo cánh đồng… và chiều dạy các em nhỏ học, tối trò chuyện cùng dân làng bên ấm chè xanh. Phiên dịch chính là các em học sinh và thầy cô ở đó.

Ngoài những lớp học trực tiếp tại chỗ, các Ngôi nhà Trí tuệ còn có những lớp học trực tuyến với các thầy cô và chuyên gia về nhiều lĩnh vực, với các thầy cô bản ngữ từ nước ngoài. Đây là một mô-đun mà các thầy cô và chuyên gia ở phương xa rất thích vì được gặp gỡ, nói chuyện, tương tác với những trẻ em từ các vùng quê nghèo nhưng rất ham học và dễ thương.

Ngoài ra còn những modul tiếp theo như giáo dục STEM/STEAM, trại hè trải nghiệm,… vẫn đang trong quá trình lên kế hoạch để triển khai và hoàn thiện hệ sinh thái Ngôi Nhà Trí Tuệ.

Minh Hoài – Nguồn thuộc về “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”
Link gốc: https://ictvietnam.vn/ngoi-nha-tri-tue-he-sinh-thai-hoc-tap-suot-doi-cho-tre-em-va-nguoi-dan-nong-thon-20201130155346454.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *